Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), lượng vàng dự trữ của Việt Nam đạt mức cao nhất 1.000 tấn vào cuối năm 2009, tương đương 45 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với lượng vàng dự trữ cao như vậy, Việt Nam hiện đã là thị trường vàng lớn thứ 5 trên thế giới và đang bị “vàng hóa” nghiêm trọng. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.
Ảnh hưởng trực tiếp nhất có thể kể đến là khả năng huy động nguồn vốn của khu vực tài chính ngày càng xấu đi, do tỉ lệ tiết kiệm bằng vàng tăng lên thay vì tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, với lượng vàng cất trữ gia tăng nhanh chóng cũng khiến cho thị trường ngoại tệ tự do bành trướng mạnh mẽ.
Đây không còn là vấn đề nhỏ của các nhà kinh doanh, mà đang thực sự trở thành một lực lượng thị trường có khả năng chi phối cả tiết kiệm, đầu tư, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.
Cũng liên quan tới vấn đề vàng, giá vàng kỳ hạn đêm qua giảm xuống dưới 1.340 USD/oz, trong khi vàng giao ngay giảm gần 1% bất chấp việc FED cam kết sẽ nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế.
Vàng giao ngay lúc 5:50 sáng nay đứng ở mức 1.348,34 USD/oz. Vàng kỳ hạn giao tháng 12 giảm 19,30 USD xuống 1.338,60 USD/oz.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố sẽ mua vào 600 tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế nước này.
Trên thị trường vàng vật chất, cầu về vàng của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng thỏi lớn nhất thế giới, vẫn ỏ mức cao do đồng rupee tăng giá và mùa lễ hội sắp diễn ra. Giới đầu cơ và các nhà bán lẻ hy vọng khối lượng vàng tiêu thụ sẽ tăng 20%.
Tuy vậy, lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR giảm khoảng 1 tấn hôm thứ Ba xuống mức 1.292,19 tấn.
theo Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét